Bệnh loãng xương là gì?

Loãng xương là bệnh khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Điều này làm tăng nguy cơ bị gãy xương (rạn nứt xương).

Loãng xương là một căn bệnh “thầm lặng” vì quý vị có thể không có triệu chứng của bệnh. Quý vị thậm chí có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi bị gãy xương. Xương nào cũng có thể gãy nhưng trường hợp gãy xương xảy ra thường xuyên nhất ở:

  • Xương chậu.
  • Đốt sống trong cột sống. 
  • Xương cổ tay.

Quý vị có thể thực hiện các bước ngăn ngừa bệnh loãng xương và gãy xương bằng cách:

  • Thực hiện các bài tập thể dục chịu sức nặng như đi bộ hoặc khiêu vũ và nâng tạ. 
  • Không uống quá nhiều đồ uống có cồn.
  • Bỏ hút thuốc hoặc không bắt đầu nếu quý vị chưa hút. 
  • Dùng các loại thuốc, nếu được kê đơn.
  • Ăn theo chế độ ăn uống cân bằng tốt giàu canxi và vitamin D.

Những ai thường bị loãng xương?

Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cả phụ nữ và nam giới thuộc mọi chủng tộc và nhóm dân tộc. Bệnh loãng xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mặc dù quý vị có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi già đi. Đối với nhiều phụ nữ, bệnh bắt đầu phát triển một hoặc hai năm trước khi mãn kinh.

  • Bệnh loãng xương xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha và phụ nữ châu Á.
  • Phụ nữ người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha có nguy cơ phát triển bệnh loãng xương thấp hơn, nhưng họ vẫn có nguy cơ đáng kể bị mắc bệnh.
  • Ở nam giới, bệnh loãng xương xảy ra phổ biến hơn ở người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.

Vì phụ nữ thường bị loãng xương nhiều hơn nam giới nên nhiều nam giới cho rằng họ sẽ không mắc căn bệnh này. Nhưng nam giới và phụ nữ lớn tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh này.

Đâu là các triệu chứng của bệnh loãng xương?

Bệnh loãng xương được gọi là một căn bệnh “thầm lặng” vì quý vị thường không có triệu chứng nào cho đến khi bị gãy xương hay một hoặc nhiều đốt sống trong cột sống bị gãy vụn. Các triệu chứng gãy đốt sống bao gồm đau lưng dữ dội, giảm chiều cao hoặc có tư thế lưng cong xuống hoặc bị khom lưng.

Xương bị ảnh hưởng bởi bệnh loãng xương có thể bị gãy rất dễ dàng hoặc do: 

  • Những cú ngã nhẹ mà thông thường sẽ không làm gãy xương khỏe mạnh.
  • Áp lực bình thường như gập người, nâng đồ vật hoặc thậm chí là ho.

Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương?

Bệnh loãng xương xảy ra khi mô xương mới không được tạo ra nhanh như khi mô xương cũ bị mất đi. Khi điều này xảy ra, quá nhiều xương bị loãng và xương trở nên suy yếu.

Một số yếu tố nhất định có thể khiến quý vị có nhiều nguy cơ phát triển bệnh hơn. Có một số yếu tố mà quý vị không thể thay đổi và những yếu tố khác mà quý vị có thể thay đổi. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương bao gồm:

  • Giới tính. Nếu quý vị là phụ nữ, quý vị có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn. Tuy nhiên, nam giới vẫn có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là sau 70 tuổi.
  • Tuổi tác. Khi quý vị già đi, xương của quý vị có thể yếu hơn.
  • Kích thước cơ thể. Phụ nữ và nam giới có thân hình mảnh khảnh, xương mỏng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
  • Chủng tộc. Phụ nữ Da Trắng và châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phụ nữ Người Mỹ gốc Phi và Người Mỹ gốc Mexico có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.
  • Tiền sử bệnh trong gia đình. Nguy cơ loãng xương và gãy xương của quý vị có thể tăng nếu cha/mẹ của quý vị có tiền sử bị loãng xương hoặc rạn nứt xương chậu.
  • Thay đổi nội tiết tố. Nồng độ thấp ở một số nội tiết tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương.
  • Chế độ ăn uống. Chế độ ăn uống ít canxi và vitamin D có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương và gãy xương. Ăn kiêng quá nhiều hoặc nạp quá ít chất đạm cũng có thể làm tăng nguy cơ bị mất xương và mắc bệnh loãng xương.
  • Các bệnh trạng khác. Một số bệnh trạng có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương. Các loại thuốc. Sử dụng lâu dài một số loại thuốc có thể khiến quý vị dễ bị mất xương và mắc bệnh loãng xương.
  • Lối sống. Một lối sống lành mạnh có thể rất quan trọng để giữ cho xương chắc khỏe. Những thay đổi trong lối sống có thể gây mất xương bao gồm:
    • Không tập thể dục đủ và không hoạt động trong thời gian dài. 
    • Uống nhiều đồ uống có cồn trong thời gian dài.
    • Hút thuốc lá.